Củ kiểu khoai tây Củ

Củ khoai tây mọc mầm

Trong loại củ kiểu khoai tây [1], các củ là sự phát triển của thân bò lan[2][3], phình ra để sử dụng làm cơ quan lưu trữ và nó là đoạn thân cây phồng to chuyên biệt hóa. Củ có mọi phần của đoạn thân cây thông thường, bao gồm các đốt và gióng, các đốt còn gọi là các mắt. Các đốt hay mắt, có chứa các vảy lá, được sắp xếp xung quanh củ theo đường vòng xoắn, bắt đầu từ điểm đối diện với điểm đính vào thân bò lan. Chồi cuối được sinh ra ở điểm xa nhất tính từ điểm đính vào của thân bò lan và vì thế củ thể hiện các đặc trưng như của thân cây thông thường. Bên trong củ được điền đầy bằng tinh bột lưu trữ trong các nhu mô phình to tương tự như các tế bào, củ có các cấu trúc tế bào điển hình như bất kỳ đoạn thân cây nào với lõi xốp (ruột thân cây), khu vực mạch và vỏ.

Củ được sinh ra trong một mùa phát triển của thực vật và được sử dụng để thực vật sống lâu năm trong vai trò của công cụ nhân giống sinh dưỡng. Khi mùa đông tới, các cấu trúc trên mặt đất của cây chết đi và củ trải qua mùa đông dưới mặt đất cho tới tận mùa xuân, thời điểm thích hợp để chúng sinh sản ra các chồi cây mới (mầm), sử dụng các chất dinh dưỡng đã lưu trữ trong củ để phát triển. Khi chồi chính phát triển từ củ, phần gốc của chồi gần với củ sinh ra các rễ chùm và các chồi bên trên thân chồi chính, tự bản thân chồi chính cũng sinh ra các thân bò lan là các thân cây dài nhợt nhạt. Thân bò lan thon dài ra với sự hiện diện của các auxingibberellin (chất kích thích/hoóc môn thực vật) ở mức cao để ngăn chặn sự phát triển của rễ ra ngoài thân bò lan. Trước khi sự hình thành của củ mới bắt đầu thì thân bò lan phải ở một độ tuổi nhất định và các hóa chất tương tự như hoóc môn (Lipoxygenase [4]) được sinh ra từ lá và củ cũ được vận chuyển tới đầu thân bò lan trong hệ thống mạch. Các khu vực gần kề ngọn của thân bò lan ngừng kéo dài ra và các tế bào của ngọn thân bò lan bắt đầu phình to ra và tăng lên[5].

Các thân bò lan dễ dàng nhận thấy được khi cây khoai tây được trồng từ hạt, do khi cây phát triển, các thân bò lan được sinh ra xung quanh bề mặt đất từ các đốt. Các củ được hình thành ngầm gần sát với mặt đất và đôi khi là ngay trên mặt đất. Khi người ta trồng khoai tây, các củ bị cắt ra thành nhiều miếng và trồng sâu hơn trong lòng đất, bằng cách này thì có nhiều hơn diện tích để cây sinh củ và kích thước củ cũng tăng lên. Từ các miếng này mọc ra các chồi để phát triển lên trên mặt đất, các chồi này là tương tự như thân rễ và sinh ra các thân bò lan ngắn từ các đốt trong khi nó còn ở trong lòng đất. Khi các chồi lên tới mặt đất, chúng sinh ra các rễ và các chồi để phát triển thành cây khoai tây.